Viettel IDC áp dụng mô hình Agile: Tăng tốc chuyển đổi số, tạo lợi thế cạnh tranh
Áp dụng mô hình chuyển đổi tổ chức linh hoạt (Agile), thiết kế văn phòng mới theo hướng mở, nâng cao hiệu suất với quy trình và công nghệ ngày càng hiện đại hơn.
Với lợi thế hạ tầng và công nghệ cao sẵn có và chiến lược chuyển đổi số toàn diện, Viettel IDC đã chính thức áp dụng mô hình chuyển đổi linh hoạt tổ chức Agile trong chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 để chuyển đổi số thành công và khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Agile không chỉ được ứng dụng trong việc phát triển phần mềm mà còn là một phương thức linh hoạt trong quản trị dự án, điều phối công việc, phát huy năng lực của cá nhân, đội nhóm, nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành, tăng tốc độ đưa sản phẩm đến với khách hàng.
Tiên phong ứng dụng công nghệ vào quá trình hoạt động với việc sử dụng máy tính ảo từ năm 2015, việc triển khai Agile như thêm một trợ lực để trao quyền và tăng tính tự chủ cho nhân sự trong việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát quá trình và đạt được mục tiêu nhanh hơn.
Ngoài thay đổi về quy trình làm việc, Viettel IDC đã đưa vào áp dụng các công cụ chuyên nghiệp như Jira, Confluence, Msteam, Bitrix 24 hay các công cụ là sản phẩm dịch vụ như máy tính ảo Viettel Cloud PC… để nhân viên có thể duy trì việc thực hiện Agile trực tuyến hiệu quả, không làm giảm sự tương tác, giảm hiệu quả làm việc ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nhờ đó, đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện, từ việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ số, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ cũng như triển khai tư vấn chuyển đổi số cho khách hàng. Với việc triển khai mô hình Agile để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đã rút ngắn thời gian chuyển giao sản phẩm trung bình từ 6 tháng xuống còn 2 tháng. Sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, nâng cao khả năng thích ứng cho công ty trên thị trường (Time to Market).
Những dự án đã "Agile hóa" giúp tiết kiệm chi phí khoảng 17% so với chạy theo mô hình cũ, và nhanh hơn trung bình 30 ngày.
Hơn hết, mô hình Agile đã hình thành văn hóa làm việc hợp tác chéo (cross-function), nâng cao tính tự chủ của cán bộ nhân viên toàn công ty, nâng mức độ hài lòng, gắn kết của cán bộ nhân viên.
Đại diện Viettel IDC cho biết: "Ban lãnh đạo công ty đã quyết tâm và cam kết tham gia với việc hình thành Agile Transformation Team (ATT) - Ban Giám đốc và các phòng ban chủ chốt của công ty là các thành viên, để dẫn dắt cũng như đảm bảo các nguồn lực phù hợp cho quá trình chuyển đổi của công ty.
Một trong những điểm dễ nhận thấy nhất là mô hình Agile giúp gắn kết các thành viên, tăng sự tương tác giữa các phòng ban, dần xóa mờ ranh giới việc "anh", việc "tôi" mà trở thành "công việc của chúng ta" khi mọi người cùng ở trong "cross-functional team" (nhóm hợp tác liên chức năng), tinh thần làm việc vì mục tiêu chung và phát huy được tất cả thế mạnh của các thành viên trong nhóm".
Đặc biệt, năm 2021 đánh dấu một trong những cột mốc đáng nhớ khi công ty thiết kế văn phòng mới theo hướng mở, đồng bộ với việc triển khai mô hình Agile trong doanh nghiệp. Văn phòng không chỉ đẹp mà còn cởi mở, linh hoạt, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho CBNV, thôi thúc tinh thần làm việc say mê, cống hiến cho sự phát triển bền vững.
Từ những tiền đề đó, Viettel IDC đặt kế hoạch cụ thể cho năm 2022: Giữ vững mục tiêu chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025: Là nền tảng dẫn đầu cho chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh thực hiện 6 chuyển dịch lớn về hạ tầng, bộ máy, chiến lược hợp tác và khai phá không gian kinh doanh mới.
Với sứ mệnh phụng sự khách hàng, phụng sự công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội, việc luôn cải tiến, ứng dụng các công nghệ mới, phương thức làm việc mới, nâng cao mức độ chuyển đổi số là những điều Viettel IDC luôn chú trọng, để luôn là nhà cung cấp, người đồng hành tin cậy của khách hàng trong công cuộc chuyển đổi số.