Nghệ thuật khen ngợi nhân viên
Ai cũng muốn được khen và động viên tinh thần. Khi họ làm tốt hãy khen ngợi họ trước mọi người, như vậy họ sẽ càng phấn đấu làm tốt hơn nữa để xứng đáng với lời khen của bạn. Một lời khuyên đắt giá mà các ông sếp cần phải nhớ là nên khách quan và công bằng khi khen bất cứ nhân viên nào.
Giám đốc của một công ty khá lớn ở Hà Nội chia sẻ để có thể khen ngợi nhân viên của mình đúng cách và tạo cho họ cảm giác phấn khích, gắn bó hơn với công ty, trung thành hơn với mình, ông đã phải bỏ nhiều công sức, thời gian nghiên cứu và đọc thêm sách về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử, tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm quản lý.
Theo ông, việc khen ngợi nhân viên một cách công khai đôi khi còn khiến ông cảm thấy tự hào và tin tưởng hơn vào những gì chính bản thân mình đang có và phấn đấu đạt được. Việc khen ngợi nhân viên không quá cầu kỳ nhưng phải xuất phát từ chính tấm lòng mình. Một điều quan trọng nữa là theo ông là phải chỉ cho người đó biết lý do của mình được khen, ví như thay vì chỉ nói chung chung: "Cậu/Cô làm tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé!" thì nên trình bày rõ ràng: "Báo cáo đó cô/cậu làm rất tốt, phân tích rất sắc sảo".
Ông cho biết lời khen của ông thường được giữ lại để nói trong các cuộc họp là chủ yếu bởi đó là thời điểm thích hợp nhất để nhân viên của ông nhận lời khen có thể tự hào về tầm quan trọng của mình ở công ty. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông cũng dành chút thời gian đi lại tận bàn làm việc của nhân viên và nói vài câu "lấy lòng", đánh giá công việc của nhân viên bằng những lời khen chân tình. Những lúc như thế ông nhận thấy cấp dưới tỏ ra rất vui và năng suất công việc cũng như hiệu quả sau đó tăng lên rõ rệt.
Thực tế, có không ít ông sếp rất kiệm lời khen của mình dành cho nhân viên. Một số thì cho rằng điều đó quá sáo rỗng và không cần thiết, một số thì nghĩ nhiệm vụ của nhân viên ăn lương là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Nhiều nhân viên luôn phàn nàn rằng họ cứ nghĩ làm việc chăm chỉ, luôn đạt hiệu quả tốt và đôi khi hơn cả mong đợi là cách tốt nất để sếp họ cân nhắc và có những mức thưởng xứng đáng nhưng chờ mãi mà sếp chẳng đả động gì, thậm chí một lời khen ngợi cũng chẳng có.
Vì thế, tâm lý mong chờ của họ dần chuyển sang chán nản, bất cần và bị tích tụ , ngày càng bị dồn nén như thể họ không đáng được coi trọng. Sự cống hiến và trung thành với công ty hay với ông sếp của họ hạ dần theo cấp số nhân. Không ít người cảm thấy chán nản mà nghĩ đến chuyện thôi việc để tìm những chỗ làm mới tương xứng với mức độ cống hiến của họ hơn.
Những ông sếp này không hề ngờ được rằng việc "tiết kiệm" những lời khen của họ đã không tạo được động lực thúc đẩy nhân viên cống hiến hết mình. Lời khen được xem là một trong những yếu tố tạo nên môi trường làm việc tích cực mà trong môi trường đó, nhân viên có được sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với công việc và sự cam kết này sẽ khiến nhân viên có các cố gắng riêng lẻ - một hình thức đền đáp công sức mà nhà quản lí đã bỏ ra.
Nhiều người cho rằng đôi khi lời khen chứ không phải những món tiền thưởng là cách truyền "lửa" và cảm hứng cho cấp dưới làm việc hăng say hơn, cống hiến hơn. Được sếp khen, nhất là khen trước mặt mọi người, về những thành tích của mình là một trong những liều thuốc "sung" hiệu lực nhất. Một người sếp làm việc với tâm trạng bình bình, kiểu "sao cũng được" thì khó mà có đội ngũ nhân viên hăng hái. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải giúp cho nhân viên nhận thấy rằng, công việc mà họ đang làm hợp với chuyên môn, kỹ năng của mình, cũng như có thể giúp họ phát triển về nghề nghiệp và tương lai. Song song đó là làm cho nhân viên cảm nhận mình là một phần tử quan trọng của công ty.
Trở thành một vị sếp dễ mến và tâm lý trong mắt nhân viên không quá khó. Chỉ cần bạn biết tinh tế và chân thành quan tâm đến người khác. Quan hệ tốt với cấp dưới tốt sẽ giúp bạn nhận được nhiều sự ủng hộ trong công việc cũng như con đường tiến thân.
Theo VTV