Giám đốc Viettel IDC: "Thế giới đương đại là cuốn sách kén người đọc nhưng lại cần thiết"
Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động không ngừng, sự xuất hiện của đại dịch, rồi xung đột Nga-Ucraine hiện nay, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ xung đột eo biển Đài Loan, sự phức tạp ở Biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sắc tộc ở Châu Phi…
Những sự kiện đó càng khiến chúng ta cảm nhận rõ nét hơn sức ảnh hưởng sâu rộng của cục diện thế giới đối với mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, trong đó có Viettel, cũng như mỗi cá nhân. Viettel đã là một tập đoàn toàn cầu, cán bộ lãnh đạo Viettel cũng cần phải được trang bị các kiến thức liên quan đến địa chính trị và các xu hướng của thế giới đương đại.
Cuốn sách "Thế giới đương đại" này chính là cẩm nang thú vị để mỗi người Viettel chúng ta biết mình đang ở đâu, làm như thế nào để thích ứng với thế giới biến động này. Đây là cuốn sách cần thiết cho tất cả chúng ta, để giúp chúng ta trở thành một công dân có tầm nhìn hơn, có khả năng phân biệt tốt hơn, đồng thời có thể đưa ra phán đoán độc lập và chính xác hơn.
Hiện nay, chúng ta đều thừa nhận bối cảnh thế giới đang thay đổi, nhưng rốt cuộc trật tự thế giới trong tương lai sẽ đi về đâu? Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, cục diện hòa bình về mặt tổng thể trên phạm vi toàn thế giới liệu có thể tiếp tục giữ vững? Liệu có xảy ra Chiến tranh Lạnh kiểu mới hay Chiến tranh thế giới thứ ba? Những khu vực hiện đang xảy ra biến động và tranh chấp liên nhiên liệu một ngày nào đó có đạt được sự ổn định và hòa bình? Đây đều là những vấn đề trọng đại mà chúng ta cần phải đối mặt và suy nghĩ.
Tiêu điểm của cuốn sách nằm ở các sự kiện lịch sử then chốt, các hệ tư tưởng và các thách thức mà chúng ta cần phải đối mặt, cuốn sách cung cấp cho mọi đối tượng độc giả những kiến thức bối cảnh cần thiết để lý giải thế giới đương đại đầy phức tạp, biến động và không ngừng liên đới, ràng buộc lẫn nhau, từ đó giúp chúng ta trở thành một công dân có tầm nhìn hơn, có khả năng phân biệt tốt hơn, đồng thời có thể đưa ra các phán đoán độc lập và chính xác hơn.
Nội dung chính của cuốn sách chia thành bốn phần:
Phần I được chia theo tuyến tính thời gian, với nội dung là khái quát lịch sử thế giới từ thế kỷ 17 đến 20 năm đầu của thế kỷ 21, lấy Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh làm ba mốc thời gian chính, từ đó giới thiệu tóm lược tình hình của các nước lớn trên thế giới trong bốn giai đoạn lịch sử, đồng thời nêu lên các sự kiện, hội nghị, hiệp ước có tầm ảnh hưởng quốc tế của nó.
Phần II được chia theo khu vực (châu Âu, châu Á Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ), với nội dung là giới thiệu tình hình kinh tế, chính trị, lịch sử phát triển và thay đổi, cũng như các thách thức sẽ phải đối mặt trong tương lai của các quốc gia nằm trong các khu vực này.
Hai phần sau của cuốn sách giới thiệu tóm lược một số khái niệm quan hệ quốc tế và các thách thức toàn cầu mà thế giới đương đại cần phải đối mặt, bao gồm các vấn đề nóng trên thế giới như: toàn cầu hóa, khủng bố và chống khủng bố, sự lan rộng của vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, nạn di dân, an toàn mạng, giao dịch quốc tế, chính sách về đồng tiền… Phần giới thiệu về lĩnh vực quan hệ quốc tế với các vấn đề liên quan như cân bằng quyền lực, đối kháng giữa các liên minh, chiến tranh – hòa bình và chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực sẽ giúp những người ngoại đạo có thể nhanh chóng hiểu được một số khái niệm cơ bản về lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Một điểm khá thu hút của cuốn sách chính là phần Lời nói đầu. Trong phần Lời nói đầu, tác giả đã nói đến nguyện vọng của mình khi viết tác phẩm này. Trong lần nói chuyện với cậu cháu trai của người bạn học tại trường Đại học Stanford, ông lại ngẫu nhiên phát hiện: là sinh viên của một trường đại học danh tiếng mà ngoại trừ môn chuyên ngành của mình ra, thì kiến thức về các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, khoa học của cậu ta gần như bằng không. Là một nhà ngoại giao kì cựu của Mỹ, ông cảm thấy kiến thức của người trẻ về thế giới quá ít ỏi, sự quan tâm của họ dành cho các vấn đề của thế giới càng ít hơn nữa, bởi vậy ông hi vọng cuốn sách này sẽ gợi mở trí tò mò của người trẻ về thế giới, ông muốn dẫn dắt người trẻ bước đến điểm khởi đầu của cuộc hành trình tìm hiểu thế giới.
Một điểm thu hút khác của "Thế giới đương đại" là khi đọc cuốn sách này, bạn có thể thấy được góc nhìn của một nhà ngoại giao Mỹ về mối quan hệ quốc tế, đồng thời hiểu được thái độ cơ bản của giới ngoại giao Mỹ nói riêng và người Mỹ nói chung đối với cục diện thế giới ngày nay. Trong đó có những vấn đề thời sự đang hết sức nóng bỏng và nhạy cảm, ví dụ như vấn đề cán cân quyền lực giữa Mỹ - Nga - Trung Quốc, vấn đề Đài Loan, vấn đề Afghanistan… Và đặc biệt là vấn đề giữa Nga - Ucraina. Theo Richard Haass, “Ukraine mới là chủ đề mang đến sự bất đồng lớn nhất giữa nước Nga và phương Tây”
Nếu có một cuốn sách mà thông qua đó mỗi người Viettel, đặc biệt là đội ngũ quản lý lãnh đạo Viettel có thể lý giải được thế giới và trở thành công dân nắm bắt được những kiến thức cơ bản về bối cảnh toàn cầu, thì đó chắc hẳn phải là "Thế giới đương đại" của Richard Haass!. Cuốn sách giúp chúng ta tốt hơn trong công việc, trong xử lý các mối quan hệ quốc tế đặc biệt là các khu vực Viettel đang đầu tư.