Viettel IDC - Bài học "giá trị niềm tin" trong cuộc chơi với những người khổng lồ
Chính thức được thành lập vào năm 2008, với khoản đầu tư 30 triệu USD xây dựng data center (trung tâm dữ liệu) đầu tiên của VN theo tiêu chuẩn quốc tế, Viettel IDC hiện đang chiếm 40% thị phần doanh thu trung bình hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. IDC cũng là nhà cung cấp đầu tiên triển khai dịch vụ lưu trữ, vận hành dữ liệu hàng đầu cho hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
1. Đứng trên vai người khổng lồ, tận dụng ưu thế từ thương hiệu của Tập đoàn mẹ
Theo giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc, được thừa hưởng danh tiếng từ Tập đoàn mẹ Viettel là một lợi thế cực lớn của công ty, đặc biệt là mới đây Viettel được định giá 6,016 tỷ USD trong bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới 2021. Uy tín lớn được sự công nhận trên thị trường quốc tế chính là lợi thế niềm tin với khách hàng khi các công ty con của Viettel như IDC có được từ Tập đoàn mẹ.
Trong những năm gần đây xu hướng sử dụng điện toán đám mây ngày càng mạnh mẽ đánh dấu sự thay đổi trong tư duy và hình thức kinh doanh của các doanh nghiệp VN. Thay vì mua đứt bán đoạn các doanh nghiệp đã chuyển sang đóng vai người đi thuê dịch vụ. Theo lãnh đạo IDC, trong thời kỳ mà dữ liệu là sinh mệnh của doanh nghiệp thì việc chọn mặt gửi vàng với các đơn vị cho thuê cloud là vô cùng quan trọng. Thương hiệu Viettel IDC đã có được sự tin tưởng ấy.
Từ ưu thế đó, trong quãng đường 11 năm đi đầu triển khai cung cấp các dịch vụ hạ tầng và điện toán đám mây tại Việt Nam, Viettel IDC khẳng định được năng lực, kinh nghiệm của mình, để hầu hết các khách hàng lớn, khắt khe nhất cũng tin tưởng lựa chọn.
2. Tầm nhìn xa, đầu tư bài bản ngay từ đầu
Với tầm nhìn xa của lãnh đạo Tập đoàn, ngay từ khi bắt đầu thành lập Viettel IDC đã được đầu tư cực kỳ bài bản với công nghệ hiện đại nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Thời điểm 2007, Viettel bắt đầu tính đến việc thành lập một data-center cấp quốc gia với mục tiêu không để dữ liệu của VN bị đưa ra ngoài lãnh thổ. Việc bắt tay hợp tác với Tập đoàn Chungwa Telecom (Đài Loan), một đối tác uy tín trong lĩnh vực Viettel IDC đã quyết định áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới mặc dù thời điểm đó câu chuyện data center còn rất mới ở VN. Tầm nhìn này đã tạo một thuận lợi lớn cho IDC trong giai đoạn sau này khi khai thác dịch vụ Điện toán đám mây.
Đến 2013, bên cạnh dịch vụ hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng CNTT truyền thống, Viettel IDC chính thức tấn công vào lĩnh vực điện toán đám mây (Cloud) cũng với những công nghệ tiên tiến nhất để đảm bảo cạnh tranh ở tầm quốc tế. Dịch vụ Cloud không có biên giới nên ngay từ đầu Viettel đã xác định việc phải cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài ngay tại sân nhà.
3. Hạ tầng cực mạnh, dịch vụ đa dạng
Chính nhờ sự đầu tư bài bản, tiêu chuẩn cao mà cho đến hiện tại tại Viettel IDC là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cung cấp hệ sinh thái dịch vụ đầy đủ cho doanh nghiệp bao gồm hơn 20 dịch vụ trên nền tảng cloud, thuộc nhiều mảng sản phẩm: Compute (tính toán), lưu trữ, kết nối, bảo mật, các dịch vụ cho các doanh nghiệp nội dung số… với 5 Trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Rated 3 - TIA 942, 23.000 m2 diện tích mặt sàn phòng máy, hơn 13.000 khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực và khoảng 3.000 khách hàng cloud...
Viettel IDC cũng đang đầu tư mạnh vào data center, với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Hyperscale) tại Hà Nội (4 ha) và Tp.HCM (3 ha) và ứng dụng thêm các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường theo xu hướng Green Data center… nhằm cung cấp một hạ tầng nền tảng vững chắc cho quốc gia. Đây được xác định là nhiệm vụ chính của Viettel chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
4. Ưu thế R&D , tư duy hợp tác thay cho đối đầu
Ngoài đầu tư bài bản vào hạ tầng, thành công của IDC còn đến từ việc đầu tư cho yếu tố công nghệ. Để để có thể tiếp tục dẫn đầu về thị phần cũng như cung cấp cho khách hàng một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng nhất Viettel IDC duy trì việc sử dụng 50% lợi nhuận để tái đầu tư vào R&D. Rút kinh nghiệm từ những bài học ở nước ngoài, Viettel IDC lựa chọ việc đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp "đối thủ" như Amazon, Microsoft…thay vì đối đầu. Viettel IDC không xác định đối đầu vì không thể đối đầu với nhu cầu khách hàng được mà phải cung cấp một giá trị bên cạnh nền tảng ấy để thích ứng với xu hướng multi-cloud.
5. Thế mạnh của doanh nghiệp "local"
Trong giai đoạn thương hiệu chưa đủ cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, Viettel IDC giúp khách hàng thấy được những ưu thế của mình với vị trí của một nhà cung cấp "local" với lợi thế về hạ tầng kết nối và khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói. Với ưu thế "bản địa", Viettel IDC có thể hỗ trợ tư vấn các tổ chức, doanh nghiệp triển khai, vận hành, xử lý các vấn đề trước và sau bán hàng tốt hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tận dụng ưu thế có nhân sự hỗ trợ trực tiếp, Viettel IDC giúp khách hàng có những trải nghiệm và thay đổi quan niệm khi các vấn đề phát sinh đều được xử lý cực nhanh. Đây là điểm khác biệt lớn khi mà các nhà cung cấp quốc tế thì đặt trung tâm hỗ trợ khách hàng ở nước ngoài nên mọi yêu cầu hỗ trợ đều được tính phí và không hề rẻ.
Bên cạnh đó, mặc dù có giá nêm yết rất cạnh tranh nhưng thực tế các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thu thêm phí sử dụng băng thông Internet, băng thông nội bộ, truyền tải dữ liệu hàng tháng vì hạ tầng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bởi vậy, nhiều khách hàng tưởng mua rẻ nhưng khi xuất hoá đơn mới thấy giá đắt hơn. Nếu sử dụng của doanh nghiệp nội địa thì sẽ không có phần tính thêm này vì giá dịch vụ được cung cấp là trọn gói.
6. Tìm hướng đi mới, không bỏ qua thị trường nhỏ
Sau giai đoạn phát triển nóng với nhiều thành công thì đến thời điểm 2017, Viettel IDC thấy rằng đã bắt đầu có sự bão hoà trong việc phát triển dịch vụ ở các trung tâm lớn. Tỷ lệ tăng trưởng mặc dù vẫn ở mức hai con số, nhưng giảm dần. Đó cũng là thời điểm Viettel IDC tính đến chuyện đánh vào thị trường các tỉnh. Đích ngắm được xác định khoảng 18 tỉnh trọng điểm, có tiềm năng lớn để chinh phục trước, sau đó sẽ lấn dần sang các địa phương khác.
Với cách làm kiên trì vừa làm vừa hỗ trợ nâng cao năng lực cho đối tác ở địa phương để từng bước gây dựng thương hiệu Viettel IDC, chấp nhận sẵn sàng phục vụ những yêu cầu nhỏ nhất của khách hàng địa phương. Đây Theo đại diện IDC, mặc dù những kết quả ban đầu mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng đã tạo sự tự tin đáng kể cho Viettel IDC với mảng thị trường địa phương. IDC đặt mục tiêu cũng sẽ đưa về được doanh thu ở mức nghìn tỉ từ các thị trường địa phương, tương đương với mức mà IDC có được từ các thành phố lớn.
Theo nhận định của tạp chí APAC CIO Outlook, Việt Nam đang dần vươn lên như một điểm đến hấp dẫn và đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư CNTT&TT. Đặc biệt VN đang rất nỗ lực để trở thành một điểm nóng về data-center của khu vực. Theo dự báo, đến 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 - 40%.